Thay đổi họ tên trong giấy khai sinh

Tại Việt Nam, các thủ tục hành chính khiến rất nhiều người e ngại. Phần vì yêu cầu rất nhiều giấy tờ liên quan, phần còn lại vì các quy định hướng dẫn nằm rải rác ở nơi. Nếu không phải những người làm công tác quản lý hoặc nghiên cứu pháp luật thì rất khó tiếp cận. Liên quan đến các thủ tục, chúng tôi nhận được rất nhiều những câu hỏi liên quan đến thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh. Trong phạm vi bài viết này, Cộng đồng pháp luật sẽ phân tích về những vấn đề: có thay đổi họ tên trong giấy khai sinh được không, điều kiện thay đổi họ tên trong giấy khai sinh như thế nào, thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh và lệ phí thay đổi họ tên.

thay-doi-ho-ten-tren-giay-khai-sinh
Ảnh minh họa: Thay đổi họ tên trên giấy khai sinh

Có thay đổi họ tên trong giấy khai sinh được không?

Trước tiên, quyền thay đổi họ tên là quyền của công dân và được ghi nhận trong các quy định của Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:

Quyền thay đổi họ của cá nhân

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau:

  • Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
  • Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
  • Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
  • Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
  • Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
  • Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
  • Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
  • Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Quyền thay đổi tên của cá nhân

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau:

  • Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
  • Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
  • Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
  • Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
  • Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
  • Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
  • Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Như vậy, cá nhân có quyền được thay đổi họ tên. Tuy nhiên, việc thay đổi sẽ phải tuân theo một số điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều kiện thay đổi họ tên trong giấy khai sinh

Theo quy định của pháp luật về hộ tịch thì cá nhân được thay đổi họ, chữ đệm và tên trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự. Có nghĩa là thuộc những trường hợp mà chúng tôi vừa liệt kê trong mục trên.

Tại khoản 2 Điều 27 và khoản 2 Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, việc cha mẹ thay đổi họ, thay đổi tên cho con từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Đồng thời, tại Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch có nội dung như sau:

Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó

Như vậy, ngoài việc thuộc vào trong các trường hợp được phép thay đổi họ tên trong giấy khai sinh quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì việc thay đổi họ tên cần đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất: Có sự đồng ý của cha, mẹ người đó nếu người thay đổi họ tên trong giấy khai sinh dưới 9 tuổi. Có nghĩa rằng việc thay đổi đó là sự thống nhất giữa của cha và mẹ của đứa bé. Nếu một trong hai bên không đồng ý thì không thể thực hiện được thủ tục thay đổi họ tên cho con trong giấy khai sinh.

Thứ hai: Có sự đồng ý của cha, mẹ và bản thân người đó nếu người thay đổi họ tên trong giấy khai sinh từ đủ 9 đến dưới 18 tuổi. Ngoài sự thống nhất của cha mẹ thì trường hợp con từ đủ 9 tuổi đến dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của chính người đó.

thay-doi-ho-ten-tren-guay-khai-sinh
Ảnh minh họa: Thay đổi họ tên trên giấy khai sinh

Thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh

Thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh nhận được nhiều sự quan tâm. Có những trường hợp hỏi về thủ tục đổi họ cho con sau ly hôn, những trường hợp khác thì hỏi thủ tục khi cả bố và mẹ đã có sự thống nhất. Trên thực tế, mỗi trường hợp khác nhau sẽ phát sinh thêm những giấy tờ, những thủ tục khác nhau. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh sẽ tiến hành theo các bước chung như sau:

Bước 1: Trước hết, để có thể đổi họ tên trong giấy khai sinh cần chuẩn bị hồ sơ. Theo quy định tại Điều 28, Điều 47 Luật Hộ tịch 2014 thì người yêu cầu thay đổi họ tên nộp cho cơ quan đăng ký hộ tịch hồ sơ gồm: Tờ khai theo mẫu quy định; Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch; Giấy tờ có liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên. Ví dụ như bản án của Tòa án, kết quả xét nghiệm ADN,…

Bước 2: Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, cá nhân nộp hồ sơ xin thay đổi họ tên đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

  • Trường hợp người thay đổi họ, tên chưa đủ 14 tuổi thì Ủy ban nhân dân cấp xã/thị trấn nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh.
  • Trường hợp người thay đổi họ tên từ đủ 14 tuổi trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền quyết định trả hồ sơ trong thời hạn cho phép.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, nếu việc thay đổi họ tên có đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật, cán bộ Tư pháp của Phòng tư pháp sẽ ghi vào sổ đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc thay đổi họ tên. Đối với trường hợp cần xác minh, thời hạn nêu trên được kéo dài thêm không quá 3 ngày.

Lệ phí thay đổi họ tên trong giấy khai sinh

Khi thực hiện thủ tục thay đổi họ tên, lệ phí cũng là yếu tố được nhiều người quan tâm. Vậy lệ phí để thực hiện thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh là bao nhiêu?

Theo Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí hộ tịch thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, sẽ không có mức phí chung nào cho thủ tục trên mà mỗi tỉnh sẽ có một mức lệ phí thay đổi họ tên khác nhau.

Tóm lại: Thay đổi họ tên là quyền của cá nhân. Cá nhân có quyền thay đổi họ tên theo quy định của pháp luật. Thẩm quyền thay đổi sẽ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau. Thủ tục thực hiện sẽ tuân theo quy định của phám luật. Ngoài ra, Việc thay đổi họ tên không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của cháu H đã được xác lập theo họ, tên cũ.

Cộng đồng pháp luật tư vấn thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh

Ngoài thủ tục thay đổi họ tên trong giấy khai sinh, có rất nhiều câu hỏi gửi đến chúng tôi để được hướng dẫn về các thủ tục hành chính khác như: Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, thủ tục nhận cha con, thủ tục từ chối nhận con,… Nếu cần được tư vấn hoặc hỗ trợ về vấn đề trên hoặc cần được tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực pháp lý, hãy liên hệ với chúng tôi qua các phương thức sau:

Hotline: 0865.504.269

Fanpage: Cộng đồng tư vấn pháp luật

Email: congdongphapluat.ls@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *