Di chúc chung của vợ chồng

Di chúc chung của vợ chồng thường được các cặp vợ chồng cùng soạn ra, nhằm mục đích là để lại tài sản chung của vợ chồng cho con cháu hoặc định đoạt cho người khác. Tuy nhiên, sau khi lập di chúc chung của vợ chồng mà một trong hai người chết trước, người còn lại muốn định đoạt lại tài sản trong bản di chúc chung đó có được không? Hiệu lực của di chúc chung vợ chồng như thế nào?

di-chuc-chung-cua-vo-chong
Ảnh minh họa: Di chúc chung của vợ chồng

 

Hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng

Câu hỏi:

Hai vợ chồng có tài sản chung là nhà và quyền sử dụng đất. Năm 2010, hai vợ chồng có lập di chúc chung với nội dung để lại di sản là nhà và đất nêu trên cho người con trai duy nhất của hai người. Di chúc được công chứng tại Văn phòng công chứng. Năm 2012, người vợ chết. Hiện nay người chồng vì kinh tế khó khăn, muốn bán/ thế chấp phần tài sản của mình trong tài sản nêu trên thì có được hay không? Thủ tục như thế nào? Giá trị của di chúc và phần di sản của người vợ được xử lý như thế nào?

Câu trả lời:

Do người vợ chết năm 2012 nên căn cứ áp dụng pháp luật về thừa kế là Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật dân sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tại Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định như sau:

Vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”; Điều 668 “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”; khoản 2 Điều 664 “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung … nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”.

Tại khoản 1 Điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định “Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào”.

Trong khi đó, theo nội dung câu hỏi thì di chúc được công chứng tại Văn phòng công chứng nên được xem là di chúc hợp pháp. Người chồng có quyền thay đổi di chúc đối với phần di sản là nhà và đất của mình.

Di chúc có hiệu lực pháp luật về phần di sản của người vợ để lại, do đó, người con có quyền được hưởng theo nội dung di chúc. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trường hợp “Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc”, nên người con có thể không được hưởng toàn bộ phần di sản của người vợ nếu có những người thuộc trường hợp “Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc” có yêu cầu được chia di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Do vậy, người chồng có thể bán hoặc thế chấp phần tài sản của mình trong khối tài sản nêu trên sau khi đã làm thủ tục hủy bỏ phần di chúc đã lập chung với vợ và thỏa thuận được phân chia tài sản trên với con trai (phần di sản thừa kế con trai được hưởng từ người vợ).

Trường hợp người chồng và con trai không thỏa thuận được thì khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *