Chia di sản thừa kế theo pháp luật

Chia di sản thừa kế theo pháp luật đặt ra khi người có tài sản chết mà không để lại di chúc định đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Không như thừa kế theo di chúc, chia di sản thừa kế theo pháp luật liên quan tới các vấn đề về xác định di sản (có thuộc sở hữu hợp pháp của người để lại hay không? Có phải tài sản chung với người khác hay không?), xác định hàng thừa kế, diện thừa kế. Trong các trường hợp người có quyền thừa kế theo pháp luật chết trước, chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì còn liên quan đến vấn đề thừa kế thế vị.

chia-di-san-thua-ke-theo-phap-luat
Ảnh minh họa: Chia di sản thừa kế theo pháp luật

Chia di sản thừa kế theo pháp luật

Câu hỏi:

Ông bà tôi cùng đứng tên trên sổ đỏ của một diện tích đất 102,7m2, trên đất có một ngôi nhà cấp 4. Ông đã mất năm 2015 nhưng không có di chúc, bà tôi vẫn còn sống. Ông bà có 3 người con là bố tôi, 1 bác, 1 cô. Bố tôi mất năm 2009. Hiện nay, cô và bác tôi muốn bán ngôi nhà và diện tích đất trên của ông bà đi. Hiện chỉ có bà là người ở, canh tác và sử dụng diện tích đất đó, bác và cô tôi đều đã có nhà riêng và đất riêng.

Tôi muốn hỏi, trường hợp bán ngôi nhà và đất đó thì có cần đủ các con ký tên mới bán được không hay chỉ cần 1 mình bà ký là được? Bố tôi mất sớm, trước ông bà nên tôi cũng sẽ có quyền như cô và bác có đúng không?

Câu trả lời:

Với câu hỏi của bạn, Luật sư có ý kiến tư vấn như sau:

Trước tiên, cần xác định phần tài sản là di sản thừa kế của người ông:

Căn cứ Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

  1. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.”

Do đó, ngôi nhà và đất đang đứng tên ông và bà của bạn là tài sản chung của ông bà, khi ông bạn mất và có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung đó được chia đôi, trừ trường hợp ông bà của bạn có thỏa thuận về chế độ tài sản. Như vậy, phần tài sản là di sản thừa kế của ông bạn là một nửa ngôi nhà và một nửa diện tích đất mà ông và bà của bạn cùng sở hữu, sử dụng. Phần tài sản của ông bạn được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Thứ hai, căn cứ khoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005 (ông của bạn mất vào năm 2015 nên thời điểm mở thừa kế là năm 2015, vì vậy áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005), do ông bạn mất không để lại di chúc nên trường hợp của gia đình bạn là thừa kế theo pháp luật.

“Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

  1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
  2. a) Không có di chúc; …”

Căn cứ khoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005, những người thừa kế theo pháp luật của ông bạn bao gồm: bà (vợ của ông), 3 người con (bố bạn, 1 người bác và 1 người cô).

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về thừa kế thế vị: “Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”, cho nên trong trường hợp bố bạn mất sớm và chỉ có một người con là bạn thì bạn là người thừa kế thế vị của bố bạn đối với phần di sản thừa kế mà bố bạn được hưởng. Bạn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với phần di sản thừa kế mà bố bạn được hưởng theo quy định của pháp luật.

Do đó, trường hợp bán ngôi nhà trên thì có cần có sự đồng ý của những người sau: bà của bạn, người bác, người cô và bạn.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật sư về chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Liên hệ Luật sư tư vấn:

Hotline: 0865504269

Email: congdongphapluat.ls@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *