Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn được gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại và là một trong những chế định quan trọng trong luật dân sự. Vậy thiệt hại ngoài hợp đồng là gì, khi nào thì phát sinh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và các vấn đề cụ thể khác sẽ được Luật sư tư vấn luật dân sự – Cộng đồng pháp luật chia sẻ trong bài viết dưới đây.

boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong
Ảnh minh họa: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Thiệt hại chính là căn cứ đầu tiên làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, thiệt hại ngoài hợp đồng phải bồi thường bao gồm thiệt hại về tài sản; thiệt hại về sức khỏe; thiệt hại về tính mạng và thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Thiệt hại về tài sản

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định cụ thể tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015, bao gồm:

  • Thiệt hại trực tiếp nhằm khôi phục tình trạng ban đầu của tài sản như thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phuc thiệt hại…
  • Thiệt hại gián tiếp liên quan đến hoạt động sử dụng, khai thác tài sản từ khi có thiệt hại cho đến khi bồi thường thiệt hại như lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút hay hoa lợi, lợi ích chắc chắn có được nếu thiệt hại không xảy ra…

Thiệt hại về sức khỏe

Trên thực tế, thiệt hại về sức khỏe khó có thể xác định cụ thể bằng tiền nên việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm chủ yếu là để tại điều kiện và đền bù một phần thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nạn nhân. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

  • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  • Tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thiệt hại về tính mạng

Bồi thường do tính mạng bị xâm phạm bản chất là khoản bồi thường vật chất cho cái chết của người bị thiệt hại bao gồm:

  • Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm;
  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
  • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
  • Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín

Danh dự, nhân phẩm, uy tín trên thực tế không thể xác định cụ thể nên bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thực chết là để nhằm phục hồi tình trạng ban đầu của người bị thiệt hại. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

  • Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
  • Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Khi nào phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

Việc bồi thường thiệt hại sẽ phải được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất là có thiệt hại xảy ra

Thiệt hại là điều kiện đầu tiên của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay nói cách khác nếu không có thiệt hại xảy ra thì sẽ không đặt ra vấn đề về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Như đã phân tích ở trên thì thiệt hại ngoài hợp đồng là những tổn thất thực tế do xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Do đó, khi phát sinh những thiệt hại trên thì đã đáp ứng điều kiện thứ nhất của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Thứ hai là hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật

Một trong những quyền tuyệt đối của công dân chính là quyền được bảo vệ về tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín. Do đó, không có bất kỳ một chủ thể nào được phép xâm phạm đến các quyền tuyệt đối trên. Cụ thể, khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường…“.

Việc xâm phạm các quyền tuyệt đối trên chính là hành vi trái phạm luật dân sự, hình sự, hành chính…

Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì hành vi gây thiệt hại lại không phải là hành vi trái pháp luật và không phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ví dụ như gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc khi có sự cho phép của người bị thiệt hại…

Thứ ba là về lỗi của người gây ra thiệt hại

Lỗi chính là mặt chủ quan của người gây ra thiệt hại. Lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là lỗi suy đoán vì hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi đó bị suy đoán là có lỗi. Người bị thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh người thực hiện hành vi có lỗi trong trường hợp này. Lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể là lỗi cố ý (nhận thức rõ hành vi của mình gây thiệt hại nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn nhưng để mặc thiệt hại xảy ra) hoặc lỗi vô ý (không thấy được hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại mặc dù phải thấy hoặc có thể thấy trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nhưng cho rằng thiệt hại không xảy ra hoặc ngăn chặn được).

Thứ tư là có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật

Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân của thiệt hại, hay nói cách khác, thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật. Theo đó, hành vi trái pháp luật sẽ có trước và từ đó dẫn đến việc xảy ra thiệt hại. Trên thực tế, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật nhiều trường hợp rất khó xác định. Do đó cần có những đánh giá, xem xét một cách thật khách quan, thận trọng để xác định đúng chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Ai phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

Người phải bồi thường thiệt hại có thể không phải là người trực tiếp gây ra thiệt hại nhưng phải là người có khả năng bồi thường và chính họ là người phải tham gia vào quan hệ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bộ luật dân sự không quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ thể khác mà chỉ quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân nên các chủ thể khác được coi là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Đối với cá nhân, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

  • Người từ đủ 18 tuổi trở lên mà có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải tự bồi thường.
  • Người từ đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
  • Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám họ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

 Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như thế nào?

Theo quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 thì bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được thực hiện như sau:

  • Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Mức bồi thường được giảm bao nhiêu sẽ tùy từng trường hợp và theo quyết định của Tòa án hoặc thỏa thuận giữa các bên.
  • Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong

Ảnh minh họa: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Ví dụ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Bản án dân sự số 05/2017/ST-DS ngày 17/8/2017 về việc đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm giữa ông H – nguyên đơn đồng thời là người bị thiệt hại và chị L – bị đơn đồng thời là người gây ra thiệt hại.

Cụ thể như sau: Vào ngày 08/02/2016 tức ngày 01 tết âm lịch, chị L đã đến nhà ông H chửi bới, xúc phạm tổ tiên gia đình, dọa giết ông H và gây mất trật tự, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông H và gia đình. Trước đó hai bên không xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp gì, đồng thời chị L cũng không mắc bệnh lý về tâm thần và hoàn toàn thừa nhận hành vi trái pháp luật của mình. Do đó, ông H đã khởi kiện, đòi chị L phải bồi thường thiệt hại. Tòa án đã tuyên chị L phải bồi thường thiệt hại cho ông H do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị thiệt hại với mức bồi thường là 3.900.000 đồng tương ứng với 3 tháng lương cơ bản do Nhà nước quy định (Mức lương cơ sở từ ngày 01/07/2017 đến ngày 30/06/2018 là 1.300.000đồng/tháng theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP ngày 24/04/2017 và Nghị quyết 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016).

Tòa án yêu cầu bị đơn L bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn H là hoàn toàn có căn cứ pháp luật, có đầy đủ các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra: Theo lời khai của các đương sự và những người làm chứng, việc chị L đến nhà ông H chửi bới trước bàn thờ tổ tiên là đúng sự thật. Hành vi này của chị L gây thiệt hại đến ông H và gia đình do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Hơn nữa, chị L còn thực hiện hành vi của mình vào ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán là trái với phong tục, tập quán của người Việt Nam nên càng làm ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của gia đình ông H.

Thứ hai, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật: Tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật dân sự có quy định: ”Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ“. Có thể thấy, hành vi của chị L đã vi phạm quy định trên do chị L đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân ông H và gia đình. Hành vi gây thiệt hại của chị L được thực hiện dưới dạng hành động là hành vi chửi bới, xúc phạm bằng lời nói.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật: Trong trường hợp trên, thiệt hại xảy ra là danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông H và gia đình bị xâm phạm chính là kết quả tất yếu do hành vi trái pháp luật của chị L gây ra và ngược lại, hành vi trái pháp luật của L cũng chính là nguyên nhân trực tiếp, có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại của ông H.

Thứ tư, người gây thiệt hại có lỗi: Tại thời điểm sự việc xảy ra, chị L không mắc các bệnh lý về tâm thần, tức là có nhận thức và khả năng làm chủ hành vi do đó chị L có lỗi trong việc thực hiện hành vi gây thiệt hại.

Như vậy, chị L phải bồi thường thiệt hại cho ông H theo quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại khoản 1 Điều 584: “Người nào có hành vi xâm phạm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác“.

Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chị L, Tòa án đã áp dụng khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự do chị L thuộc trường hợp từ đủ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: “2. …Người từ đủ mười lắm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.“. Theo đó, chị L sẽ phải tự bồi thường thiệt hại cho ông H bằng chính tài sản của mình, đồng thời, L khẳng định mình đã tham gia lao động, có thu nhập nên đủ khả năng để bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

Luật sư tư vấn về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trong bài viết trên, chúng tôi đã chia sẻ những vấn đề liên quan về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và phân tích cụ thể thông qua một bản án trên thực tế. Nếu có những câu hỏi cần trao đổi thêm hoặc có những vướng mắc pháp lý khác cần được giải đáp và hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi qua phương thức sau:

Hotline: 0865.504.269

Email: congdongphapluat.ls@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *