Tội cho vay nặng lãi theo quy định Bộ luật hình sự 2015

Do nhu cầu đầu tư kinh doanh hoặc tiêu dùng, nhiều người tìm đến các tổ chức tín dụng hoặc thông qua các app trên mạng để vay tiền. Sẽ không có gì đáng nói nếu như tiền gốc và tiền lãi mà người vay trả đúng như thỏa thuận ban đầu. Hầu hết, những người vay tiền qua app điện thoại, vay nhanh,… đều phải trả một con số gấp nhiều lần so với thỏa thuận. Vậy hành vi trên của người cho vay có phải là cho vay nặng lãi không? Có thể xử lý họ về tội cho vay nặng lãi được không? Hãy theo dõi nội dung bài viết của Cộng đồng pháp luật để có được câu trả lời.

cho-vay-nang-lai
Ảnh minh họa: cho vay nặng lãi

Cho vay nặng lãi là gì?

Để xác định được thế nào là cho vay nặng lãi thì phải có một mức lãi suất cố định để làm thước đo. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Như vậy, kể cả khi bên vay và bên cho vay đã thỏa thuận về lãi suất thì phần lãi suất vượt quá 20%/năm sẽ không có hiệu lực. Lãi suất 20%/năm tương đương với 1,666%/tháng.

Qua phân tích trên có thể nhận định được rằng, cho vay nặng lãi là hành vi của người cho vay cho người khác vay với lãi suất trên 20%/năm.

Vậy với hành vi trên đã có thể xử lý người cho vay về tội cho vay lãi nặng được chưa hay cần thêm những yếu tố nào khác? Mời bạn theo dõi tiếp trong phần nội dung tiếp theo.

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định cụ thể tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 với nội dung cụ thể như sau:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhấtquy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong khi đó, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:

Điều 468. Lãi suất

Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, theo quy định về mức lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự, nếu lãi suất cho vay gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất tối đa nói trên, tức là từ 100%/năm trở lên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này phải từ 30.000.000 đồng trở lên. Nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong bộ luật dân sự nhưng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì cũng không bị coi là phạm tội cho vay nặng lãi.

Để tìm hiểu chi tiết hơn, chúng tôi phân tích về các yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:

toi-cho-vay-nang-lai
Ảnh minh họa: Cho vay nặng lãi

Cấu thành tội phạm của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Khách thể của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về tín dụng mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; xâm phạm đến lợi ích của công dân.

Chủ thể của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Chủ thể Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quản lý công quỹ và dùng công quỹ cho vay lãi nặng mang tính chất bóc lột thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này với tình tiết tăng nặng quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 52 bộ luật hình sự 2015.

Mặt chủ quan của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi cho vay lãi nặng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi mà vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Động cơ phạm tội là vụ lợi nhằm thu lợi bất chính.

Mặt khách quan của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Về hành vi khách quan:

Hành vi khách quan của tội cho vay lãi nặng thể hiện ở một trong các hành vi sau:

  • Cho người khác vay và áp đặt mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên;
  • Cho vay lãi gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Về hậu quả:

Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội như: tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Hậu quả trực tiếp của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại cho người vay, làm cho người vay phải chịu mức lãi quá cao.

Về đối tượng cho vay là tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá… Về số lượng tiền, tài sản cho vay nhiều hay ít không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản.

Hình phạt của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Điều 201 Bộ luật hình sự quy định 02 khung hình phạt, cụ thể:

  • Người phạm tội theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  • Người phạm tội theo quy định tại Khoản 2 Điều 201 thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  • Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Như vậy về hình phạt, mức phạt tù cao nhất đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 03 năm tù, trong trường hợp thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.

Luật sư hình sự tư vấn tội cho vay nặng lãi

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cần vốn để đầu tư, cần xoay vòng vốn để trả nợ hoặc không có tài sản nhà rỗi, nhiều người vay tiền trên các ứng dụng điện thoại, vay tiền online với cách tính lãi suất rất mơ hồ. Có không ít trường hợp phải trả số tiền lãi gấp nhiều lần so với tiền gốc đã vay hoặc so với thỏa thuận ban đầu. Khi không có khả năng thanh toán sẽ bị đe dọa, quẫy nhiễu, thậm chí là gây thương tích. Do vậy, ngay cả trước khi vay hoặc đang bế tắc vì hợp đồng vay, hãy liên hệ với chúng tôi để có những sự tư vấn kịp thời, có cách xử lý đúng pháp luật.

Hotline: 0865.504.269

Email: congdongphapluat.ls@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *