Xâm phạm quyền tác giả

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ quyền tác giả nói riêng là việc áp dụng những biện pháp mà pháp luật cho phép. Mục đích nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và mọi cá nhân, tổ chức khác có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đó theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác liên quan. Khi đó, các tác phẩm sẽ được bảo hộ khỏi những hành vi xâm phạm. Trong bài viết này, Cộng đồng luật sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn một số vấn đề liên quan đến xâm phạm quyền tác giả.

xam-pham-quyen-tac-gia
Ảnh minh họa: Xâm phạm quyền tác giả

Nguyên tắc bảo hộ quyền tác giả

Quyền tác giả là một bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ, theo đó, bảo hộ quyền tác giả cũng bao gồm cả quyền liên quan đến tác giả.

So với việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh… thì quyền tác giả chỉ được bảo hộ khi ý tưởng sáng tạo được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định để làm cơ sở nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt lại. Quyền sở hữu công nghiệp bảo hộ đối với nội dung của ý tưởng sáng tạo, còn quyền tác giả thì thiên về bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng sáng tạo. Việc xâm phạm quyền tác giả và việc các tác phẩm sau xâm phạm đến việc sử dụng và sắp xếp các từ ngữ, nốt nhạc, màu sắc, hình khối… Trong khi đó, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chỉ bảo hộ việc sử dụng đối tượng có cùng nội dung hoặc tương tự, cho dù đó là kết quả của việc nghiên cứu độc lập, không có bất kỳ sự sao chép hoặc không hề biết có sự tồn tại của sáng tạo đó trước đây.

xem thêm:

Hành vi xâm phạm quyền tác giả

Xâm phạm được hiểu một cách đơn giản là những hành vi tác động và gây phương hại đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.

Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, các hành vi được coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:

  • Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.
  • Mạo danh tác giả.
  • Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.
  • Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.
  • Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
  • Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.
  • Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
  • Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.
  • Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
  • Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.
  • Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
  • Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.
  • Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Phương thức bảo hộ tác phẩm đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả

Quyền tự bảo vệ

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Các biện pháp dân sự

Toà án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

Buộc bồi thường thiệt hại;

Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Một số biện pháp khác

Tuỳ theo tính chất và mức độ, hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định tại Phần thứ năm (Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) của Luật Sở hữu trí tuệ và theo quy định sau đây:

  • Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.

Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

  • Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.

Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm quyền tác giả và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

  • Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
hanh-vi-xam-pham-quyen-tac-gia
Ảnh minh họa: Hành vi xâm phạm quyền tác giả

Mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả

Ngoài các biện pháp nêu trên, Bộ luật hình sự 2015 còn quy định chi tiết mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như sau:

Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;

c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Luật sư tư vấn về xâm phạm quyền tác giả

Tại Việt Nam, đã có các hệ thống các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, về xâm phạm quyền tác giả… nhưng thực tế tình hình xâm phạm quyền tác giả vẫn còn xảy ra thường xuyên. Trong môi trường 4.0 hiện nay, khi mà lượng truy cập internet ngày càng tăng, nhiều tác phẩm khi vừa được xuất bản, ngay lập tức đã có rât nhiều trang web, hay cá nhân khác dễ dàng sao chép lại, sử dụng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm mà không trích dẫn nguồn hoặc không được sự cho phép của tác giả. Vì vậy, nếu có bất kỳ vướng mắc nào hoặc cần tư vấn về xâm phạm quyền tác giả, quý bạn đọc hãy liên hệ với chúng tôi qua các phương thức sau để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời nhất.

Hotline: 0865.504.269

Email: congdongphapluat.ls@gmail.com

Luật sư tư vấn Luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ, tư vấn nội dung xâm phạm quyền tác giả, cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan, tư vấn thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký nhãn hiệu, đăng ký quyềnbản quyền logo…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *