Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân khi bị xâm phạm bởi những quyết định hành chính, hành vi hành chính thì cần tiến hành khởi kiện vụ án hành chính. Vậy khởi kiện vụ án hành chính là gì?ai được khởi kiện vụ án hành chính? Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là gì? Và thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được pháp luật quy định như thế nào? Trong bài viết này, Cộng đồng pháp luật sẽ chia sẻ tới bạn đọc những vấn đề trên.

Khởi kiện vụ án hành chính là gì
Khởi kiện vụ án hành chính là việc yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Cụ thể, cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính yêu cầu tòa án thụ lý án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, công chức bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc.
Trong thời hạn luật định, nếu khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước đã ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khởi kiện vụ án hành chính được thể hiện dưới hình thức văn bản gọi là đơn kiện. Đơn khởi kiện bao gồm những nội dung chính sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Toà án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính;
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện;
- Nội dung quyết định hành chính hoặc quyết định kỉ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức hay tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính;
- Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có);
- Cam đoan không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo;
- Các yêu cầu đề nghị Toà án giải quyết.
Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
Đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính là một trong những yếu tố quan trọng để người khởi kiện có thể thực hiện việc khởi kiện vụ án hành chính. Việc xác định đối tượng khởi kiện chính xác hay không có ý nghĩa quyết định đến việc Tòa án có thụ lý đơn khởi kiện hay không. Trên thực tế, khi khởi kiện, nhiều người khởi kiện lúng túng trong việc xác định đối tượng khởi kiện hoặc đảm bảo các điều kiện của đối tượng khởi kiện để thực hiện thủ tục khởi kiện vụ án hành chính. Vậy đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính bao gồm những đối tượng nào? Quy định của pháp luật về vấn đề này ra sao?
Theo quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định về Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính bao gồm:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;
- Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;
- Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.
- Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
- Danh sách cử tri bầu cử, danh sách xử tri trưng cầu ý dân.
Khởi kiện quyết định hành chính
Khái niệm về quyết định hành chính quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015, cụ thể như sau:
“Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”
Theo đó, khởi kiện quyết định hành chính là việc khởi kiện văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ví dụ, khởi kiện quyết định của Ủy ban nhân dân huyện X về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng nghĩa trang tại thôn A, xã B, huyện X.
Khởi kiện hành vi hành chính
Hành vi hành được quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật tố tụng hành chính 2015, cụ thể:
Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Ví dụ, Ông Nguyễn Văn A đã nộp hồ sơ xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân xã X theo đúng quy định, nhưng Ủy ban nhân dân xã X đã trả lại hồ sơ cho ông A và không nêu lý do của việc trả lại hồ sơ đó. Hành vi trả lại hồ sơ cho ông A của UBND xã X là hành vi hành chính.
Theo đó, khởi kiện hành vi hành chính là khởi kiện những hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ví dụ, Khởi kiện vụ án hành chính về hành vi trả lại hồ sơ xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân xã X cho ông A như ví dụ trên.
Khởi kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc
Theo quy định tại khoản 5 Điều 30 Luật tố tụng hành chính, “Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức thuộc quyền quản lý của mình.” Công chức là những người được quy định cụ thể tại Luật Cán bộ công chức 2010, việc người đứng đầu cơ quan tổ chức áp dụng biện pháp kỷ luật buộc thôi việc là biện pháp nghiêm khắc nhất đối với họ, do vậy pháp luật trao cho họ quyền được khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Tuy nhiên, cũng căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 30 thì công chức chỉ được “Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống” . Như vậy, chỉ những quyết định của Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống thì mới là điều cần cần và đủ để Tòa có thể xem xét đơn kiện và có thể thụ lý đơn của người đi kiện.
Khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
Quyết định này được nhắc tới khoản 3 Điều 30, quy định tại khoản 2 Điều 115 cũng là một đối tượng mới của khởi kiện, tuy nhiên đối với quyết định này chúng ta chú ý rằng nó chỉ được khởi kiện mà không bị khiếu nại. Vụ việc cạnh tranh do Bộ trưởng bộ công thương quy định, và quyết định này do Chủ tịch hội đồng cạnh tranh ban hành. Trên thực tế, các trường hợp khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là không phổ biến.
Khởi kiện danh sách cử tri
Danh sách cử tri cũng là một đối tượng khởi kiện mới được quy định tại khoản 3 Điều 115 Luật tố tụng hành chính 2015. Danh sách cử tri gồm danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân. Các trường hợp khởi kiện danh sách cử tri trên thực tế cũng không xảy ra phổ biến.

Chủ thể khởi kiện vụ án hành chính
Về chủ thể khởi kiện được quy định tại khoản 8 Điều 3 và Điều 54 của luật tố tụng hành chính 2015. Theo đó, việc xác định cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính được thực hiện theo nguyên tắc xem xét cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện hay không.
Như vậy, cá nhân, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính là những cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lí vụ việc cạnh tranh, danh sách bầu cử Đại biểu quốc hội, Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, quyết định kỉ luật buộc thôi việc.
Tuy nhiên, quyền khởi kiện phải được thực hiện bởi những chủ thể có năng lực hành vi tố tụng hành chính. Năng lực hành vi tố tụng hành chính là khả năng bằng chính hành vi của mình cá nhân thực hiện quyền và các nghĩa vụ hành chính được pháp luật hành chính thừa nhận. Như vậy, việc khởi kiện vụ án hành chính chỉ có thể được thực hiện bởi người có quyền khởi kiện vụ án hành chính hoặc người đại diện của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính với điều kiện người đó đảm bảo năng lực hành vi tố tụng hành chính.
Người đại diện của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính bao gồm: người đại diện theo ủy quyền hoặc người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của người có quyền khởi kiện vụ án hành chính bao gồm: cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, người không có năng lực hành vi dân sự, người đứng đầu của người khởi kiện là cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tại Điều 60 Luật tố tụng hành chính xác định người đại diện của người khởi kiện bao gồm:
- Cha mẹ đối với con chưa thành niên;
- Người giám hộ đối với người được giám hộ;
- Người đứng đầu đơn vị, cơ quan, tổ chức do được bổ nhiệm hoặc theo quy định của pháp luật;
- Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;
- Tổ trưởng tổ hợp tác đối với hợp tác xã;
- Những người khác theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, để khởi kiện vụ án hành chính thì cá nhân, tổ chức phải có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, hành vi bị kiện và việc khởi kiện phải được thực hiện bởi chủ thể có năng lực hành vi tố tụng hành chính. Cá nhân thực hiện hành vi khởi kiện vụ án hành chính phải bảo đảm năng lực hành vi tố tụng hành chính theo quy định tại Điều 54 luật tố tụng hành chính 2015. Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi khởi kiện vụ án hành chính bao gồm: cá nhân có quyền khởi kiện từ đủ 18 tuổi có năng lực hành vi dân sự; cha mẹ người đỡ đầu; người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức; người được người có quyền khởi kiện ủy quyền.
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính
“thời hiệu” theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 được hiểu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Đối với Thời hiệu khởi kiện vụ hành chính, nội dung này được quy định tại Điều 116 luật tố tụng hành chính 2015. Theo đó, thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:
- 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
- 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
- Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
Như vậy, các xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, thời điểm tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đã được quy định rất cụ thể và chi tiết.
Luật sư hướng dẫn khởi kiện vụ án hành chính
Trong bài viết, chúng tôi đã phân tích các vấn đề về khái niệm khởi kiện vụ án hành chính, chủ thể khởi kiện vụ án hành chính, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính. Phạm vi bài viết chưa thể tiếp cận hết các vấn đề của khởi kiện vụ án hành chính nhưng đã cung cấp các thông tin nổi bật và cơ bản. Chúng tôi sẽ cập nhật thêm những nội dung liên quan trong các bài viết tiếp theo. Nếu có những câu hỏi hoặc các vướng mắc pháp lý, hãy liên hệ với chúng tôi qua các phương thức sau đây:
Hotline: 0865.504.269
Fanpage: Cộng đồng tư vấn pháp luật